Cách đây chừng sáu năm, trong chuyến đi giảng dạy ở Ý, thầy có đi ngang qua một vùng đất trồng toàn cây ô liu. Ở Pháp hình như không có cây ô liu, hoặc có thể chỉ có một vài cây ở miền Nam, nhưng bên Ý thì có rất nhiều. Thầy nhận thấy những cây ô liu trong đám ruộng đó mọc rất ngộ nghĩnh, thay vì mọc từng cây riêng rẽ thì nó mọc một khóm ba bốn cây chụm lại với nhau. Những cây ô liu đó cũng còn trẻ thôi, khoảng chừng bảy đến tám tuổi. Khi hỏi lại, người ta cho biết trước đó bảy tám năm có một trận lạnh rất lớn và tất cả các cây ô liu trong vùng đó chết hết, người ta phải cắt sát gốc. Nhưng những cây ô liu đó chỉ chết phần trên thôi, phần gốc vẫn còn sống. Khi cây ô liu bị cắt sát gốc rồi thì từ một cây ô liu mẹ sanh ra ba đến bốn cây ô liu con. Cho nên, chín mười năm sau mình thấy những cây ô liu mọc lên từng khóm. Mình lầm tưởng, cứ nghĩ rằng có ba hay bốn cây ô liu riêng biệt, nhưng khi nhìn sâu thì mình thấy kỳ thực chúng cũng chỉ là một cây thôi, từ một gốc mà đi lên.
Giả dụ cây ô liu thứ nhất ganh tỵ với cây ô liu thứ hai. Cây ô liu thứ hai đánh lộn với cây ô liu thứ ba thì rất buồn cười. Như vậy là có sự phân biệt: “Tôi là cây ô liu khác, còn anh là cây ô liu khác”. Không biết các cây ô liu có ganh tỵ, có giận hờn nhau hay không. Nhưng có những em bé hay những người lớn, tuy phát xuất từ một gốc mà thỉnh thoảng họ vẫn ganh tỵ, giận hờn nhau. Họ làm giống như họ là những con người khác nhau, không dính líu gì tới nhau hết. Họ không biết rằng họ từ một gốc mà đi lên, họ bị sự phân biệt, kỳ thị làm cho chia rẽ. Chính sự phân biệt, kỳ thị đó làm cho chúng ta coi nhau như kẻ thù, không thương yêu nhau được dù là anh chị em trong một nhà. Cho nên, tu tập là nhìn sâu để thấy được rằng chúng ta từ một nguồn gốc mà phát hiện. Khi thấy được sự thật đó thì mình sẽ lấy đi được sự phân biệt kỳ thị, và sẽ đạt tới một loại trí tuệ rất đặc biệt gọi là vô phân biệt trí.
....
Vậy thì mình chỉ cần đưa bàn tay của mình lên nhìn cho kỹ là mình có thể học được rất nhiều từ bàn tay này. Bàn tay này chứa đựng trí không phân biệt. Bàn tay kia cũng vậy, nó hoàn toàn không có mặc cảm là tôi thua, tôi hơn hay tôi bằng. Cho nên chúng nó là hai anh em gương mẫu, hai chị em gương mẫu. Chúng ta có thể đưa hai bàn tay lên, nắm lấy nhau để cảm thấy đây là hai anh em rất hòa thuận, rất hạnh phúc. Tại vì trong mỗi bàn tay đều có trí vô phân biệt. Chúng ta, dù lớn hay nhỏ đều được mời lấy bàn tay phải nắm lấy bàn tay trái để cảm thấy rằng đây là hai anh em đích thực, hai chị em đích thực, sống với nhau hài hòa được là nhờ có cái trí vô phân biệt ở trong đó. Làm xong rồi thì thở ba hơi. Quý vị có thấy được cái trí vô phân biệt trong bàn tay mình không?
Bây giờ đưa bàn tay ra cầm bàn tay của người ngồi bên để coi thử có trí vô phân biệt trong cả hai bàn tay hay không? Người Pháp cầm tay của người Anh, người Anh cầm tay của người Đức, người Palestine cầm tay của người Do Thái, người Do Thái cầm tay của người Palestine. Chúng ta hãy cầm tay nhau để học bài học của trí vô phân biệt. Tôi chính là anh, anh chính là tôi, tôi chẳng khác gì anh, anh chẳng khác gì tôi. Đó là tinh thần của Bát nhã, đó là tinh thần của vô phân biệt trí. Đây là một bài giảng có ý nghĩa rất thâm thúy mà các cháu thiếu nhi cũng có thể hiểu được. Nếu các cháu tiếp tục học theo hướng này thì khi lớn lên sẽ có kiến thức và sự thực tập sâu sắc vững vàng về đạo Bụt.
(Trích trong Lá Thư Làng Mai)
Comentários