Thường thì trước ngưỡng cửa cuộc đời mỗi người đều chọn cho mình một nghề thích hợp. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại: nghề chọn người, hay gọi đó là “nghiệp” của người ấy. Ông Trần Đức Hoài, sáng lập các chuỗi trung tâm Zen thanh lọc thân, tâm chữa bệnh tận gốc ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc; chủ nhiệm Câu lạc bộ Esperanto thiền yoga Tây Tạng, đồng thời là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lý thuyết tiềm năng con người (thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) là một người như thế…
PHÁT LỘ MỘT NĂNG LỰC ĐẶC BIỆT
Trần Đức Hoài sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở xã An Vỹ (Khoái Châu, Hưng Yên). Năm cậu 14 tuổi (1975) đã xảy ra một chuyện lạ thường. Hôm đó là một ngày hè oi bức, Hoài để đứa em trai út 3 tuổi vào cái chum và lấy nước giếng khơi mát lạnh tắm cho em, do tình trạng dầm nước hơi lâu mà ngay sau đó em bị viêm phổi cấp. Suốt một tuần tại bệnh viện huyện em cậu sốt nóng ly bì xem chừng khó qua khỏi. Chiều hôm ấy Hoài bế em ra sân bệnh viện để mẹ ăn cơm, thấy em vẫn sốt cao, lại nghe tin một bé khác cũng bị viêm phổi vừa qua đời, cậu lo quá ôm chặt em vào lòng, rồi trong ít phút cảm thấy toàn thân bị “mê” đi. Tỉnh lại, em vẫn trong vòng tay cậu. Hôm sau vào đưa cơm cho mẹ, cậu được biết em đã đỡ sốt, suốt đêm qua ngủ ngoan. Tiếp đến một ngày nữa em khỏe hẳn và được ra viện.
Một chuyện khác cũng ở gia đình Hoài, lúc anh đã là sinh viên năm thứ hai khoa vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1980). Vừa ở trường về thăm nhà, Hoài thấy mẹ đang bị đau bụng dữ dội. Mẹ đã bị xuất huyết dạ dày mấy lần, thương mẹ quá, thay vì lấy chai nước nóng chườm, anh lấy tay xoa bụng cho mẹ nhiều lần. Bỗng mẹ thấy cơn đau có chiều thuyên giảm. Mấy ngày ở nhà anh tiếp tục xoa cho mẹ đến khi về trường thì mẹ không còn đau nữa (hiện bà đã 78 tuổi, từ đó khỏi hẳn bệnh dạ dầy). Một người bạn của anh ở trường là Vân Hoài (con gái nhà thơ Xuân Sách) biết “chiến công” ấy, liền nhờ anh đến chữa cho thầy Hằng giáo viên sinh vật của trường cũng đang bị bệnh dạ dày hành hạ, sau vài lần xoa, thầy cũng thấy đỡ đau. Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng, GS. Nguyễn Hoàng Phương giảng dạy tại trường, nghe chuyện của sinh viên Trần Đức Hoài, đã tìm hiểu và đi đến kết luận: bàn tay Hoài có một năng lượng sinh học đặc biệt và có khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Ngày đó giáo sư đã hướng cậu sinh viên có khả năng lạ thường ấy vào sinh hoạt nhóm cộng tác viên đề tài nghiên cứu của ông về trường sinh học.
Ra trường, do có thành tích tốt trong học tập, Hoài được về Viện nghiên cứu kỹ thuật điện tử, thuộc Tổng cục Điện tử. Anh chủ trì đề tài “Xây dựng hệ chuyên gia chẩn đoán và điều trị bệnh bằng Đông y trên máy vi tính”. Để thực hiện đề tài, anh cộng tác với Viện Y học cổ truyền trung ương; Viện Châm cứu Việt Nam và trong 4 năm làm nghiên cứu, do nỗ lực học thêm anh đã có các chứng chỉ chữa bệnh Đông y. Từ năm 1992, anh cùng với thầy thuốc Lê Trọng Bổng, nguyên bác sĩ của Viện quân y 103(Có thời kỳ ông làm tổng biên tập báo Khoa học và đời sống) mở phòng chữa bệnh không dùng thuốc tại 57 Lý Nam Đế (Hà Nội). Trong 2 năm theo phương pháp đặc biệt này, anh đã chữa khỏi bệnh cho không ít người, chủ yếu ở các bệnh rối loạn chức năng, cũng có một vài trường hợp thuyên giảm được bệnh ỏ người bị ung thư giai đoạn đầu (Người viết bài này lúc đó là phóng viên báo Quân đội nhân dân, trong số báo ra ngày 28-3-1992 đã có bài phản ánh việc chữa bệnh không dùng thuốc của Trần Đức Hoài).
Giữa lúc đang phát huy được sở trường về “năng lượng” tự thân, Trần Đức Hoài chợt nhận ra một sự thật là, đến một lúc nào đó năng lượng của anh sẽ cạn dần, không thể giúp cho nhiều người được hiệu quả; phải tìm một hướng đi mới có bài bản, lâu bền hơn. Và ở tuổi 30, dẫu đã gặt hái thành công bước đầu trong kỹ thuật điện tử, anh có một quyết định đầy phiêu lưu, là bỏ nghề, tìm đến tinh hoa văn hóa phương Đông, thực hành thiền- yoga để chữa bệnh. Năng lực liên quan đến trường sinh học từng sớm phát lộ trong anh và tự lúc nào, anh đã say mê tìm hiểu về tâm linh, về giáo lý sâu xa của đạo Phật, đấy chính là lúc thiền- yoga đã lựa chọn anh! Có hai trường phái: yoga Ấn Độ và yoga Tây Tạng, sau một thời gian tiếp xúc với cả hai, anh đã đi đến quyết định dốc lòng tu nghiệp theo yoga Tây Tạng.
TẦM SƯ HỌC ĐẠO
Anh đã có gia đình riêng, để thực hiện được dự định táo bạo trên, phải có những bước chuẩn bị cho mình và vợ con. Từ năm 1994 Trần Đức Hoài thôi làm cơ quan nhà nước, tham gia dự án về y tế cho một tổ chức phi chính phủ, đến năm 2005, anh chuyển được cả nhà từ căn hộ 8 mét vuông ở Giáp Bát (Hà Nội) về căn hộ 30 mét vuông ở Láng Trung. Và cũng năm đó anh bắt đầu thực thi chí hướng của mình, có chuyến du hành đầu tiên về đất phật Myanma, học làm tỳ kheo tại trường Shwe Oo Min trong rừng cách thủ đô Rangun 20 km.
Tại đây, với vốn kiến thức chữa bệnh không dùng thuốc, anh đã chữa có kết quả cho một vị thiền sư bị thoái hóa đốt sống cổ và vị sư chủ trì chùa bị tiểu đường nặng, vì vậy anh nhận được nhiều cảm tình ở nơi tu hành, bản thân có thêm sự tự tin, dốc lòng cho đạo pháp. Mùa hè năm sau anh sang Ấn Độ đảnh lễ ở các chùa cổ và thường ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề nơi phát tích của Phật Tổ. Rồi anh sang Nê Pan tham gia các khóa lễ, ban ngày ngồi thiền dưới chân cột đá vua A Dục dựng thế kỷ 3 trước công nguyên nơi đức Thích Ca Mầu Ni đã sinh ra. Anh còn hành hương lên vùng cực tây bắc Ấn Độ, giáp Pakistan thỉnh giáo lãnh tụ tinh thần Tây Tạng là các ngài Đạt Lai Lạt Ma 14 và Đại Bảo Pháp Vương 17 đang lánh nạn tại đấy.
Một trong các đặc điểm của nền văn minh Tây Tạng là tầm sư học đạo và sưu tầm mật lý từ các tu sĩ, cư sĩ…Từ năm 2007 anh bắt đầu những chuyến du hành về Xứ Tuyết (tên gọi khác của Tây Tạng). Đó là những tháng ngày liên tục bộ hành trên nhiều đoạn đường núi cao 5000 mét so với mặt nước biển, trong điều kiện thở thiếu o-xy và nhiệt độ ngoài trời 0 độ C. Anh có thêm những hiểu biết về Mật tông khi tiếp xúc với các thiền sư, tu sĩ trong mật thất, thuần thục, sâu sắc hơn trong các bài thực hành yoga tác động đến thân, khẩu, ý; cùng với việc liên tục nạp “năng lượng” khi tọa thiền tại các chốn thiêng liêng bên hồ Manasarova, linh sơn Kailash.
Ở đất nước phật giáo đầy bí ẩn này, người ta còn truyền tụng những chuyện có thật về những vị chân tu hiện thân của lòng từ bi hỷ xả, mà dẫu họ đã thoát khỏi vòng luân hồi nhân quả vẫn muốn được đầu thai trở lại để hoàn tất ước nguyện cứu độ chúng sinh. Bởi vậy mới có chuyện tái sinh của các nhà sư kiếp trước gọi là Tulku, nghĩa là Phật sống.
Các Tulku đều được phát hiện từ khi còn rất trẻ, hiện Tây Tạng rải rác sống trong dân gian có khoảng 2000 Tulku, nhưng được quan tâm nhiều nhất là hiện thân của các Đạt Lai Lạt Ma trị vì giới đạo. Như ngài Đạt Lai Lạt Ma 14 anh đã được diện kiến, là hiện thân của vị đời trước tên là Thupten Guatso, tức Đạt Lai Lạt Ma 13.
Vào năm 1938, Đạt Lai Lạt Ma 13 biết trước thế nào Tây Tạng cũng bị ngoại bang thôn tính, nhưng không thể sống thêm để cứu dân tộc và đạo pháp. Khi ngài qua đời, nhục thân ở vị trí tĩnh tọa và được ướp xác. Nhưng sau đó các tu sĩ thấy mặt ngài đã chuyển về hướng đông bắc, suy ra đấy là hướng ngài sẽ tái sinh. Một đoàn nhà sư đi tìm kiếm về hướng đông bắc, trong ngôi nhà đất bên một cây cổ thụ xum xuê họ gặp một cậu bé 3 tuổi thông minh dĩnh ngộ tên là Lhamo.
Khi vừa gặp, cậu bé ngồi ngay lên đùi vị trưởng lão hòa thượng đang đeo một chuỗi hạt rất đẹp. Các vị trong đoàn liền đưa ra nhiều xâu chuỗi khác nhau và yêu cầu cậu bé tìm xâu chuỗi mà vị Đạt Lai Lạt Ma vừa viên tịch thường dùng. Không chút do dự cậu bé nhận ra ngay xâu chuỗi cần tìm. Các cuộc trắc nghiệm tiếp sau đó về các đồ vật dụng của Đạt Lai Lạt Ma 13 cũng đều được cậu bé đáp ứng chính xác. Đích thực là một Tulku. Lhamo được đón về cung điện Potala, hai năm sau được tôn vinh là Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Đúng như dự đoán của Lạt Ma đời trước, nước láng giềng Trung Hoa luôn tìm cách gây hấn, năm 1959 Đạt Lai Lạt Ma 14 trong đêm khuya phải trốn khỏi điện Potala, sang tị nạn tại Ấn Độ…
VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Truyền thống tôn giáo Tây Tạng có hai khuynh hướng công truyền và bí truyền, ngay từ đầu Trần Đức Hoài theo công truyền, để rồi trở về giúp ích cho cộng đồng. Người viết bài này sau 22 năm gặp lại, một Trần Đức Hoài trẻ trung khuôn mặt sáng sủa với mái tóc đen dày phủ trên trán năm xưa, với một Trần Đức Hoài đã xuống tóc, da rám nắng, mặt đã có vài nếp nhăn phong trần trong bộ y phục mầu nâu của cư sĩ hôm nay. Có thể nói đến giờ ông đã đạt được nhiều thành tựu sau bao năm khổ luyện và trở thành người đầu tiên mang yoga Tây Tạng đến Việt Nam.
Xuất phát từ ý tưởng kết hợp hai kỹ thuật thiền và yoga phát triển hài hòa cân đối thể chất, tinh thần nhằm giữ gìn sức khỏe, tránh bệnh tật, cái cách mà ông mỗi lần lên lớp thật tỉ mỉ, chuẩn xác, bài bản. Đó là các bước kỹ thuật thanh lọc thân bằng điều khiển hơi thở, thanh lọc tiếng nói bằng quán âm thanh chân ngôn, thanh lọc ý bằng quán ảnh tượng đồ và thực hành các tư thế asana của yoga…
Trong vòng 10 năm qua, ông đã triển khai gần 60 lớp học cho hàng nghìn môn sinh, chưa kể nhiều môn sinh, có cả người nước ngoài sau khi đã hoàn thành khóa lễ, lại tiếp tục nhân số người học lên tại những nơi họ cư trú. Hiện có hai “Vườn Tây Tạng” được tổ chức quy mô, bài bản đặt ở Hà Nội và thành phố Hòa Bình. Ngoài các phòng tập đủ tiện nghi, “vườn” còn có phòng nóng Eco chữa bệnh bằng cách thải bỏ những chất cặn bã trong cơ thể theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản lần đầu áp dụng ở đây. Đông đảo người tập thường xuyên, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, đáng chú ý là có nhiều nhà khoa học, chiếm số đông trong số đó là các nhà vật lý, có thể kể tên những người nổi tiếng, như GS.VS. Đào Vọng Đức; GS.TSKH. Nguyễn Ái Việt; GS.TSKH. Đào Khắc An; PGS.TS. Hà Vĩnh Tân…
Thiền sư Trần Đức Hoài cho rằng, nhiều nước trên thế giới rất chú trọng phát triển thiền, yoga bảo vệ sức khỏe, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ hiện đã có hơn 20 triệu người tham gia tập luyện. Rõ ràng ở nước ta phong trào chỉ mới là bước đầu, còn rất hạn chế. Ông hy vọng rồi đây được sự giúp sức của ngành y tế cộng đồng, các cơ quan chức năng, phong trào tập thiền cùng yoga Tây Tạng cho sức khỏe thân, tâm sẽ được ngày càng nhân rộng, phát huy được đầy đủ khả năng kỳ diệu vốn có trong kho tàng tinh hoa văn hóa phương Đông.
Phạm Quang Đẩu
Commentaires